Sức vươn Minh Dân

Minh Dân từng được coi là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hàm Yên, bởi hầu hết dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, sống rải rác, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn… tỷ lệ hộ nghèo cao. Thế nhưng vài năm trở lại đây, những con đường trải nhựa, bê tông sạch đẹp, những dãy nhà kiên cố, khang trang... là minh chứng rõ nét cho sự vươn mình của mảnh đất này. Có được diện mạo đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự năng động, nhạy bén của mỗi người dân nơi đây. Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Đến Minh Dân trong những ngày thu đầu tháng 9, chúng tôi được đi trên những con đường trải nhựa, bê tông phong quang sạch đẹp. Các công trình điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, trụ sở xã… được xây dựng khang trang, kiên cố. Vào các thôn trong xã chúng tôi bị hút tầm mắt bởi màu xanh ngát, tràn đầy sức sống của những đồi chè, vườn chanh, ruộng lúa. Thấp thoáng trên nền xanh ấy là những ngôi nhà sàn bê tông to đẹp, bề thế, nhà xây kiên cố mái xanh, đỏ. Tiếng nói cười của những phụ nữ Dao, Tày đang vào vụ thu hái chè vang rộn cả núi rừng.

Anh Bàn Quang Chương, Trưởng thôn Thác Đất cho biết, thôn có 220 hộ thì có tới 85% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Kinh tế chủ yếu dựa vào vườn rừng. Thác Đất từng là 1 trong những thôn khó khăn của xã. Nhưng chính điều đó lại càng hun đúc ý chí, quyết tâm của người dân nơi đây. Từ năm 2000, nhận thấy giá trị kinh tế từ chăn nuôi gà mang lại, người dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi.

Sau hơn 20 năm, tiềm năng được đánh thức, gà đồi Thác Đất đã trở thành thương hiệu nổi tiếng gần xa trong và ngoài tỉnh. Nhà nuôi ít thì 300-500 con, nhà nuôi nhiều 1.000-2.000 con/lứa, mang lại thu nhập cao cho người dân, hiệu quả gấp nhiều lần cấy lúa. Nhờ nhạy bén trong phát triển kinh tế mà tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm nhanh theo từng năm, hiện thôn còn 14 hộ nghèo.

Đang tất bật chăm sóc đàn gà gần 1.000 con, tay lau vội những giọt mồ hôi đang lăn dài trên gò má, bà Nguyễn Thị Loan niềm nở đón chúng tôi. Bà Loan bảo, hai vợ chồng bà vốn quê gốc ở Phú Thọ, năm 1989, theo người nhà lên Thác Đất làm kinh tế. Sau nhiều năm trồng rừng, trồng cam, năm 2005, bà cải tạo mảnh đất dưới đồi keo quây vườn chăn nuôi gà thả đồi. Ban đầu bà nuôi 300 con/lứa, vừa nuôi bà vừa tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, đến nay, gia đình bà đã xây dựng 2 dãy chuồng nuôi 6.000-7.000 con gà/năm. Trừ chi phí, mỗi năm bà thu lãi hơn 400 triệu đồng.

Thôn Ngòi Tèo cũng vốn là một trong những thôn thuộc diện khó khăn nhất của xã. Thôn có gần 100 hộ nhưng nhạy bén, kiên trì trong phát triển kinh tế, đến nay số hộ nghèo của thôn cũng đã giảm xuống dưới 10 hộ. Đi trên con đường quanh thôn Ngòi Tèo, đường không trải nhựa thì cũng được bê tông hoá, chốc chốc lại gặp những ngôi nhà sàn, nhà xây bề thế, sáng bừng cả một vùng đất ven sông.

Kiên trì và thành công với mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình chị Hà Thị Hồng, thôn Ngòi Tèo đã vươn lên thành hộ khá giàu của thôn. Chị Hồng chia sẻ, trong chuồng lợn nhà chị lúc nào cũng có từ 20 đến 30 con lợn nái và thương phẩm. Chị còn trồng hơn 2 ha keo, trồng ngô, lúa, mở cửa hàng tạp hoá. Mỗi năm trừ chi phí gia đình chị thu về hơn 120-150 triệu đồng.

Những ngôi nhà xây khang trang của người dân thôn Ngòi Tèo, xã Minh Dân (Hàm Yên).

Năm 2022, gia đình chị xây ngôi nhà sàn bê tông khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng, ước mơ bao năm được hoàn thành. Chị bảo, gia đình chị có được ngày hôm nay không chỉ có sự nỗ lực của gia đình, mà còn nhờ cán bộ xã đã luôn đồng hành, giúp đỡ chị từ định hướng phát triển kinh tế, đến tạo điều kiện để chị tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Hội Nông dân xã cũng đứng ra tín chấp giúp tôi vay vốn ưu đãi từ để phát triển kinh tế.

Thời gian gần đây, xã Minh Dân xác định trồng chè, chăn nuôi gà là một hướng đi phát triển phù hợp, cùng với triển khai công tác rà soát, quy hoạch, xã đã chỉ đạo người dân tận dụng các diện tích đất đồi thoải, vườn tạp… chuyển sang trồng chè và làm trang trại, quy hoạch khu chăn nuôi. Xã đã thành lập Hợp tác xã chè Minh Dân với 22 thành viên và Hợp tác xã Gà đồi Thác Đất với 18 thành viên tham gia để thuận lợi cho việc xây dựng nhãn hiệu, đảm bảo quyền lợi và đầu ra ổn định cho người dân. Các thành viên trong các hợp tác xã đã thiết lập tốt mối quan hệ, liên kết với nhau trong việc cung ứng sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Đến nay, toàn xã có gần 60 ha chè; mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 45.000 con gà.

Không ngừng phấn đấu

Với phương châm “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, ngay sau khi được đánh giá công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020, xã đã xác định mục tiêu duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến năm 2025, phấn đấu xây dựng một số thôn trên địa bàn xã đạt thôn nông thôn mới nâng cao. Cấp uỷ, chính quyền xã đã huy động mọi nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình để hỗ trợ, đào tạo giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Nhiều hệ thống kết cấu hạ tầng được xây mới, sửa chữa như: xây mới 2 phòng học tại điểm trường Kim Long; xây dựng công trình thuỷ lợi thôn Ngòi Khang; nâng cấp, sửa chữa tuyến đường huyện ĐH.27 Minh Dân - Chợ Thụt, xã Phù Lưu; Tuyến đường ĐH 16 từ trung tâm xã đi Bến đò Km 59 xã Minh Dân…

Các thành viên Hợp tác xã Chè Minh Dân trao đổi kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè.

Anh Từ Quang Hiền, Giám đốc Hợp tác xã Chè Minh Dân và Hợp tác xã Gà đồi Thác Đất chia sẻ, không chỉ cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhờ các chương trình, dự án, vốn vay hỗ trợ mà đời sống người dân trên địa bàn xã không ngừng được nâng lên. Giờ đây người dân xã Minh Dân không còn lo đến chuyện “ăn no, mặc ấm” mà chỉ nghĩ đến chuyện làm giàu.

Đồng chí Nguyễn Bá Lệ, Chủ tịch UBND xã Minh Dân cho biết, việc gắn quyền lợi của bà con vào việc tham gia các chương trình, dự án đã đem lại hiệu quả cao. Phát huy vai trò tự lực, tự cường của Nhân dân để vươn lên thoát nghèo, thu nhập bình quân đầu người toàn xã từ 35 triệu đồng vào năm 2021 lên gần 40 triệu đồng/người/năm vào năm 2022 ; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 7,5%; 100% thôn trên địa bàn xã được phủ sóng kết nối Internet; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc…

Men theo con đường đê rời Minh Dân, chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự thay đổi trong nhận thức của người dân ở cách làm kinh tế, thời gian tới, xã vùng cao này sẽ trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện, góp phần giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới và vươn lên xã nông thôn mới nâng cao.

Theo Báo Tuyên Quang Online

Tin cùng chuyên mục